You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (40)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (40)

Quyền Hành Và Lòng Thương Xót – Chúa Giê-su Chữa Lành Người Phung

Ma-thi-ơ 7:28 – 8:4

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo xong “Bài giảng trên núi” trong Ma-thi-ơ chương 5, 6 và 7. Hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 7:28 – 8:4 28 Khi Chúa Giê-su nói những lời ấy xong, đoàn dân ngạc nhiên về lời dạy dỗ của Chúa; 29 vì Chúa dạy dỗ như có quyền hành, chứ không như các thầy dạy Luật Pháp. 1 Khi Chúa Giê-su từ trên núi xuống, có đoàn dân rất đông đi theo Chúa. 2 Nầy, có một người phung đến quỳ gối trước mặt Chúa mà nói rằng: “Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho tôi sạch.” 3 Chúa Giê-su giơ tay rờ người, và nói rằng: “Ta muốn, hãy sạch đi.” Tức thì người phung được sạch. 4 Chúa Giê-su nói cùng người rằng: “Này, đừng nói cùng ai cả; nhưng hãy đi trình diện cùng thầy tế lễ, và dâng của lễ theo như Môi-se đã dạy, để làm chứng cho họ.”

Đoạn Kinh Thánh trên gồm có câu 28, 29 là 2 câu cuối cùng của chương 7, và câu 1 đến câu 4 của chương 8. Câu 28 của chương 7 ghi rằng: “Khi Chúa Giê-su nói những lời ấy xong,” “những lời ấy” là chỉ về hết thảy lời dạy của Chúa trong Ma-thi-ơ chương 5, 6 và 7.

Lời Dạy Của Chúa Giê-su Có Quyền Hành

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng sau khi dân chúng lắng nghe giảng dạy của Chúa Giê-su, họ đều ngạc nhiên lắm, tại vì lời của Chúa mang quyền hành, chứ không như các thầy dạy Luật Pháp. Vậy có nghĩa là lời dạy của các thầy dạy Luật không có quyền hành. Tại sao lời dạy của họ không có quyền hành?

Ma-thi-ơ 23:2 – 4 2 “Các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si ngồi trên ngôi của Môi-se. 3 Vậy, hãy làm và giữ tất cả những gì họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng làm theo những điều họ làm, vì họ nói mà không làm. 4 Họ buộc những gánh nặng và để trên vai người ta, nhưng chính mình thì không muốn động một ngón tay vào.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 23:2 – 4, Chúa Giê-su khiển trách các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si, và đồng thời Chúa cũng dạy bảo dân chúng. Chúa nói rằng các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si ngồi trên ngôi của Môi-se. Môi-se là vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Người dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm nô-lê ở nước Ai-cập bốn trăm năm, đời sống cực kỳ khổ nhọc, họ kêu cầu Chúa Trời Đức Gia-vê giải cứu họ. Ngài bèn sai Môi-se đến để dẫn đưa người dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nước Ai-cập. Sau khi ra khỏi nước Ai-cập, họ đi lang thang trên đồng vắng bốn mươi năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, Môi-se là người dắt đưa người dân vượt qua bao nhiêu gian nan nguy hiểm. Chúa Trời còn nhờ Môi-se để ban bộ Luật Pháp cho họ. Bởi vậy Môi-se là lãnh tụ và đồng thời cũng là giáo sư dạy dỗ người dân Y-sơ-ra-ên phải sống theo Luật Pháp của Chúa Trời.

Khi Chúa Giê-su nói rằng các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si ngồi trên ngôi của Môi-se, ấy có nghĩa là họ là các giáo sư của người dân. Tại vì họ là các giáo sư, cho nên người dân phải làm và giữ tất cả những điều họ răn dạy. Nhưng người dân không nên bắt chước những hành vi việc làm của họ, tại vì họ chỉ nói mà không làm. Lời dạy của họ là đúng, nhưng họ không sống theo lời dạy của mình. Trong câu 4, Chúa Giê-su nói rằng: “Họ buộc những gánh nặng và để trên vai người ta, nhưng chính mình thì không muốn động một ngón tay vào”. Các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si bắt người dân phải làm những điều lệ khó mà vâng giữ, nhưng chính họ lại không hề vâng giữ những điều ấy.

Chính vì vậy mà lời dạy của các thầy dạy Luật và các người Pha-ri-si không có quyền hành gì cả, tại vì họ dạy người dân làm điều này điều nọ, nhưng chính họ lại không làm.

Ngược lại, đoạn Kinh Thánh trên nói rằng lời dạy của Chúa Giê-su có quyền hành. Tại sao vậy? Tại vì Chúa Giê-su thực hành tất cả những lời mình dạy. Tất cả những điều Chúa Giê-su răn dạy chúng ta thì Chúa đã giữ hết rồi. Chúa Giê-su không bao giờ bảo chúng ta làm những điều mà chính mình Chúa lại không làm.

Rồi bắt đầu từ chương 8, tác giả Ma-thi-ơ ghi lại một loạt các sự kiện Chúa Giê-su chữa bịnh cho người dân, trừ quỉ v.v, mục đích là để chứng tỏ rằng Chúa có quyền hành làm các phép lạ.

Quyền Hành Và Lòng Thương Xót Vô Biên Của Chúa Giê-su

Khi Chúa Giê-su đi từ trên núi xuống, thì đoàn dân đi theo Chúa. Bất thình lình có một người phung đến quỳ gối trước mặt Chúa và cầu xin Chúa làm sạch bịnh phung của người: “Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho tôi sạch.”

Căn cứ theo luật lệ trong Cựu Ước của Kinh Thánh, người bịnh phung là “không sạch.” Một người mắc bịnh phung phải lánh xa dân chúng và ở một mình ngoài chỗ cư ngụ của dân chúng. Khi người phung thấy dân chúng ở xa xa, thì người phải kêu lớn tiếng: “Không sạch! Không soạch!” để cảnh cáo dân chúng đừng đến gần:

Lê-vi Ký 13:45 – 46 45 Người đã bị chứng phung phải xé quần áo, xõa tóc, che râu lại và kêu rằng: “Không sạch! Không sạch!” 46 Hễ chừng nào người có chứng phung, người ấy là không sạch. Người phải ở một mình ngoài doanh trại.

Xin các bạn để ý, trong đoạn Kinh Thánh ở Ma-thi-ơ chương 8, người phung này không có kêu lên: “Không sạch! Không sạch!” Hơn nữa, người chắc cũng nhận thấy Chúa Giê-su có quyền hành, người đến quỳ xuống trước mặt Chúa và cầu xin Chúa làm sạch bịnh phung của mình.

Hành động như vậy là không vâng giữ Luật Pháp. Mà Chúa Giê-su có khiển trách người không?

Không, Chúa không có khiển trách người; Chúa chẳng những không khiển trách người, mà Chúa còn rờ người phung này nữa:

Ma-thi-ơ 8:3 3 Chúa Giê-su giơ tay rờ người, và nói rằng: “Ta muốn, hãy sạch đi.” Tức thì người phung được sạch.

Tại sao Chúa Giê-su giơ tay rờ người phung? Nếu Chúa muốn làm sạch bịnh phung của người, Chúa không cần rờ người, Chúa chỉ cần nói một lời : “Hãy sạch đi,” thì người được sạch liền. Nhưng Chúa rờ người này, tại sao vậy?

Sự kiện chữa lành người phung cũng được ghi trong chương 1 của Mác, là đoạn Kinh Thánh song song:

Mác 1:40 – 42 40 Một người phung đến cùng Chúa Giê-su, quì xuống cầu xin rằng: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến tôi sạch.” 41 Chúa Giê-su động lòng thương xót, giơ tay rờ người, và nói cùng người rằng: “Ta muốn, hãy sạch đi.” 42 Tức thì, bịnh phung biến mất, người trở nên sạch.

Đoạn Kinh Thánh trên Mác 1:40 – 42 chỉ ra rằng sở dĩ Chúa Giê-su giơ tay rờ người phung là tại vì Chúa động lòng thương xót cho người. Chúa biết rằng đã lâu nay người phung này phải lánh xa người khác, không ai muốn đến gần người và tiếp xúc với người. Người phung này chắc cô đơn buồn khổ lắm, cho nên Chúa rờ người để yên ủi khuyến khích người.

Chúa Giê-su có quyền hành để trừ quỉ, chữa bịnh, làm các phép lạ, mà Chúa còn có lòng thương xót vô biên cho tội nhân chúng ta nữa.

Chúa Giê-su Không Muốn Loan Báo Khắp Nơi Việc Chữa Lành Người Phung

Sau khi người phung được sạch rồi, Chúa Giê-su nói cùng người rằng: “Này, đừng nói cùng ai cả; nhưng hãy đi trình diện cùng thầy tế lễ, và dâng của lễ theo như Môi-se đã dạy, để làm chứng cho họ.”

Căn cứ theo điều lệ trong Cựu Ước, khi một người phung được sạch thì người phải đến trình diện trước thầy tế lễ. Sau khi thầy tế lễ khám xét người và thấy rằng người quả thật được sạch bịnh phung rồi, thầy tế lễ sẽ tuyên bố người đã sạch bịnh phung, và người phải dâng của lễ:

Lê-vi Ký 14:1 – 4 1 Gia-vê nói cùng Môi-se rằng: 2 “Này là luật lệ cho người phung vào ngày nó được sạch. Người ta sẽ dẫn người phung đến thầy tế lễ: 3 thầy tế lễ sẽ ra ngoài trại mà khám người ấy. Nếu bịnh phung của người lành rồi, 4 thì về phần người được khỏi bịnh, thầy tế lễ sẽ bảo đem hai con chim sống và tinh sạch, cây hương nam, chỉ sợi màu đỏ sặm và cây bài hương.”

Chính Chúa Giê-su đã nói rằng Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp, nhưng để làm trọn vẹn Luật Pháp:

Ma-thi-ơ 5:17 – 18 17 Các ngươi đừng tưởng rằng ta đến để hủy bỏ Luật Pháp hay lời tiên tri; Ta đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm cho trọn vẹn. 18 Vì ta nói thật cùng các ngươi: Mãi đến khi trời đất đều qua đi, mà một chấm một nét trong Luật Pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được thành tựu.

(Xin các bạn đọc bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri” để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 5:17 – 18.)

Bởi vậy Chúa Giê-su bảo người đã được sạch bịnh phung phải làm theo đúng điều lệ trong Luật Pháp, nhưng Chúa dặn người không nói cùng ai cả. Tại sao Chúa không muốn người nói cho người khác biết về chuyện này?

Đoạn Kinh Thánh song song ở Mác ghi lại như vậy:

Mác 1:43 – 45 43 tức thì Chúa Giê-su cho người đi, lấy giọng nghiêm dặn rằng: “44 Đừng nói việc này cùng ai cả; nhưng hãy đi trình diện cùng thầy tế lễ, và vì ngươi đã được sạch, hãy dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ.” 45 Nhưng người ấy đi và bắt đầu loan báo việc này khắp nơi, đến nỗi Chúa Giê-su không thể vào thành cách công khai nữa; Chúa phải ở ngoài, tại nơi vắng vẻ; và người ta từ khắp nơi đến cùng Chúa.

Chúa Giê-su dặn người này không nên nói cùng ai cả về việc đã được sạch bịnh phung, nhưng người lại đi loan báo việc này khắp nơi. Rốt cuộc dân chúng đem các bịnh nhân đến cùng Chúa Giê-su, đến nỗi Chúa không thể đi vào thành phố một cách công khai nữa, và Chúa phải ở tại nơi vắng vẻ.

Không chừng các bạn nghĩ rằng Chúa Giê-su là đầy dẫy lòng thương xót, Chúa chắc thương hại cho các bịnh nhân. Khi bao nhiêu bịnh nhân kéo nhau đến cùng Chúa Giê-su là tốt quá rồi, Chúa không cần đi chỗ này chỗ kia để gặp các bịnh nhân. Bởi vậy người được sạch bịnh phung đi loan báo tin này là đúng, tại sao Chúa lại bảo người không nên nói cho ai biết?

Hỡi các bạn ơi, Chúa Trời Gia-vê sai Chúa Giê-su đến để cứu vớt loài người chúng ta ra khỏi tội lỗi, chứ không phải chỉ là chữa bịnh cho người dân mà thôi. Cho dù bịnh tật của một người được chữa lành, nhưng nếu người này vẫn bị tội lỗi ràng buộc, thì rốt cuộc người vẫn bị hư mất. Chỉ khi chúng ta ăn năn hối cải, tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, thì ta không bị hư mất, mà còn được ban cho sự sống đời đời.

Tuy rằng Chúa Giê-su cũng chữa bịnh và trừ quỉ, nhưng mục đích là để bày tỏ cho dân chúng thấy quyền năng của Chúa, hầu cho họ tin vào lời dạy của Chúa. Chữa bịnh và trừ quỉ không phải là mục đích chính của Chúa Giê-su đến vào thế gian.

Chúa Giê-su muốn thực hiện kế hoạch của ơn cứu chuộc của Chúa Trời, cho nên Chúa phải tiếp xúc với người dân để truyền giảng chân lý cho họ, và Chúa còn phải đào tạo các môn đồ để sau này tiếp tục rao truyền Tin Lành trên khắp thế gian. Nếu bao nhiêu bịnh nhân từ bốn phương đến cùng Chúa Giê-su thì Chúa phải chữa bịnh cho họ suốt ngày suốt đêm, Chúa không thể làm một việc gì khác. Ấy là lý do Chúa Giê-su dặn bảo người được sạch bịnh phung không được nói cùng ai cả về việc này. Nhưng người này không vâng theo lời dặn của Chúa, và đi loan báo việc này khắp nơi. Rốt cuộc Chúa không thể đi vào thành phố mà phải ở ngoài thành, và công việc cứu chuộc loài người bị cản trở.

Tính Tình Của Chúa Giê-su

Những điểm chúng ta đã tra khảo ở trên cho ta thấy tính tình của Chúa Giê-su:

  • Chúa thực hành tất cả những điều Chúa dạy bảo dân chúng, cho nên lời nói của Chúa có quyền hành.
  • Chúa có đại quyền hành, đồng thời lại đầy dẫy lòng thương xót.
  • Chúa coi sự cứu chuộc loài người là quan trọng nhất, Chúa không muốn việc khác làm cản trở công việc này.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church