Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (10)
Phước Cho Những Kẻ Đói Khát Sự Công Nghĩa
Ma-thi-ơ 5:6
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 5:5, hôm nay chúng ta tra khảo câu Kinh Thánh kế tiếp.
Ma-thi-ơ 5:6 6 Phước cho những kẻ đói khát sự công nghĩa, vì sẽ được thỏa mãn !
Chúa Giê-su dạy rằng những kẻ đói khát sự công nghĩa thì có phước lắm, tại vì họ sẽ được thỏa mãn. Bây giờ tôi sẽ giải thích ý nghĩa của câu Kinh Thánh này từng bước một.
“Đói Khát Sự Công Nghĩa” Có Nghĩa Là Gì?
Đầu tiên “đói khát sự công nghĩa” có nghĩa là gì? Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi tình trạng của những người đói bụng khát nước là như thế nào?
Khi chúng ta bị đói bụng khát nước thì ta thèm muốn đồ ăn nước uống, và ta tích cực đi tìm đồ ăn nước uống. Giả tỉ trong trường hợp đồ ăn nước uống rất hiếm có, thì người ta bằng lòng trả bất cứ giá nào để đổi lấy đồ ăn nước uống, lúc đó tiền bạc địa vị đều không quan trọng bằng đồ ăn nước uống, tại vì tiền bạc đâu có ăn được; nếu không có đồ ăn nước uống thì ta sẽ chết đi, cho dù có một tỷ bạc cũng như không thôi !
Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta ham mộ sự công nghĩa tựa như những người bị đói bụng khát nước thèm muốn đồ ăn nước uống vậy, ta bằng lòng trả bất cứ giá nào để được nhận lãnh sự công nghĩa, như vậy thì ta có phước lắm, tại vì Chúa Trời sẽ thỏa mãn lòng khao khát của ta, Ngài sẽ ban cho ta sự công nghĩa.
Khi ta đói bụng khát nước thì ta chỉ muốn đồ ăn nước uống thôi, có đồ ăn nước uống thì ta mới thỏa mãn. Tương tự như vậy, những kẻ đói khát sự công nghĩa thì chỉ muốn sự công nghĩa thôi, có sự công nghĩa thì họ mới thỏa mãn.
Câu Chuyện Của Những Kẻ Đói Khát Sự Công Nghĩa
Không chừng các bạn nghĩ rằng khi người ta bị đói kém thì lẽ dĩ nhiên họ thèm muốn đồ ăn nước uống; nhưng sự công nghĩa thì khác, chúng ta đồng ý rằng sự công nghĩa thì cũng tốt lắm, nhưng có ai lại ham mộ sự công nghĩa tựa như những người bị đói kém thèm muốn đồ ăn nước uống vậy? Hỡi các bạn ơi, trên đời này có nhiều người rất ham mộ sự công nghĩa !
Lu-ca 19:1 – 10 1 Chúa Giê-su vào thành Giê-ri-cô và đi ngang qua phố. 2 Tại đó, có một người tên là Xa-chê, người là trưởng đoàn thâu thuế và giàu có. 3 Người tìm xem Chúa Giê-su là ai nhưng không được, vì đoàn dân đông đảo mà người lại thấp bé. 4 Vậy người chạy trước trèo lên cây sung để nhìn thấy Chúa Giê-su, vì Chúa sắp đi qua đó. 5 Khi Chúa Giê-su đến chỗ ấy, Chúa ngước mắt lên nói rằng: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi.” 6 Xa-chê vội vàng tụt xuống và mừng rỡ tiếp đón Chúa. 7 Mọi người thấy vậy đều lầm bầm rằng: “Người này vào nhà kẻ tội lỗi mà trọ!” 8 Nhưng Xa-chê đứng trước mặt Chúa thưa rằng: “Lạy Chúa, đây nầy, tôi sẽ phân phát một nửa gia tài mình cho người nghèo khổ, và nếu tôi có lừa gạt ai bất cứ điều gì, tôi sẽ bồi thường gấp tư.” 9 Chúa Giê-su bảo Xa-chê rằng: “Hôm nay sự cứu chuộc đã vào nhà này, vì người này cũng là con cháu Áp-ra-ham. 10 Tại vì Con của loài người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất.”
Đoạn Kinh Thánh này thuật lại câu chuyện Xa-chê ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Thông thường những người thâu thuế thì giàu lắm, bởi vì họ thường đòi dân chúng phải nộp tiền nhiều hơn số quy định. Xa-chê chắc là từng nghe người ta nói về sự công nghĩa thánh sạch của Chúa Giê-su và lời dạy của Chúa về ăn năn hối cải. Khi Xa-chê nghe rằng Chúa sẽ đến nhà mình, người thấy rằng mình là kẻ có tội, không xứng đáng tiếp đón kẻ thánh, cho nên người vội vàng ăn năn hối cải liền.
Ăn năn hối cải không những chỉ là xưng tội thôi, mà còn phải đền tội nữa. Xa-chê sẽ phân phát một nửa gia tài cho người nghèo khổ, còn một nửa gia tài kia thì dùng để bồi thường cho những kẻ đã bị người lừa gạt. Như vậy thì sau cùng người chẳng còn cái gì nữa, hết thảy gia tài của người đều tiêu tan hết. Xa-chê kiếm được tiền tài bằng những việc làm tội lỗi, bây giờ người không muốn giữ tiền tài tội lỗi này nữa. Xa-chê vui lòng trả một giá cao như thế, ấy là hết thảy gia tài của mình để ăn năn hối cải, người quả thật là kẻ đói khát sự công nghĩa, và người sẽ được thỏa mãn. Cho nên Chúa Giê-su nói rằng: “Hôm nay sự cứu chuộc đã vào nhà này!”, Xa-chê sẽ được ban cho sự công nghĩa vậy.
Trong đời sống thực tế cũng có những người tương tự như vậy. Có một người từng giữ địa vị thứ hai trong bè đảng phi pháp ở một thành phố lớn của nước Mỹ, về sau ông này trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, ông ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Ông cũng làm những điều tương tự như Xa-chê vậy. Tại vì hết thảy gia tài ông kiếm được đều là do những việc làm phi pháp gian ác, ông không muốn giữ tiền tài gian ác này. Ông cũng phân phát một phần gia tài cho kẻ nghèo, và dùng phần còn lại để đền bù cho những người từng bị ông làm hại. Rốt cuộc ông thành ra một người tay trắng tay không. Hơn nữa những kẻ trong bè đảng phi pháp muốn giết ông đi, tại vì họ sợ rằng ông sẽ tiết lộ bí mật của họ. Nhưng cho dù nguy hiểm đến đâu đi nữa, ông này quyết tâm đi theo Chúa Giê-su. Rốt cuộc nhờ sự bảo hộ của Chúa Trời Gia-vê, ông không có bị giết hại. Ông từ bỏ hết thảy gia tài và liều mạng sống của mình để đi theo Chúa Giê-su, ông quả là người ham mộ sự công nghĩa tựa như kẻ đói kém khao khát đồ ăn nước uống vậy. Những người như vậy thì sẽ được Chúa Trời ban cho sự công nghĩa.
Công Nghĩa Là Gì?
Không chừng các bạn nghĩ rằng: “Sự công nghĩa là cái gì mà tại sao có người lại bằng lòng trả một giá cao như thế để được nhận lãnh sự công nghĩa vậy?”
Giê-rê-mi 23:6 6 Trong đời vua ấy, Giu-đa sẽ được cứu; và Y-sơ-ra-ên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Ðấng ấy là: Gia-vê sự công nghĩa của chúng ta !
Tên của Chúa Trời là “יהוה ”” (YHWH hay Yahweh) (đọc là Gia-vê). Chúa Trời Gia-vê chính là sự công nghĩa của chúng ta.
1 Cô-rinh-tô 1:30 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Chúa Giê-su Christ, là đấng mà Chúa Trời đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta.
Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ là đấng mà Chúa Trời Gia-vê đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta. Vậy Chúa Giê-su Christ cũng là sự công nghĩa của chúng ta.
Qua 2 câu Kinh Thánh trên ta thấy rằng Chúa Trời Gia-vê và Con Ngài Chúa Giê-su Christ cùng là sự công nghĩa của chúng ta. Công nghĩa là tính tình của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.
Rô-ma 14:17 17 Vì vương quốc Chúa Trời chẳng phải là sự ăn uống, nhưng là sự công nghĩa, bình yên, vui vẻ trong Thánh Linh.
Câu Kinh Thánh này dạy rằng vương quốc Chúa Trời chẳng phải là ăn uống; ăn món này hay món kia, ăn chay hay ăn thịt đều không có liên quan gì đến vương quốc Chúa Trời cả. Mà vương quốc Chúa Trời chính là sự công nghĩa.
Đến đây tôi nhớ lại lời của má tôi. Má tôi không phải là Tín Đồ Cơ Đốc, má cũng theo Đạo Phật và thờ cúng ông bà tổ tiên. Nhưng tư tưởng của má lại rất gần với lời dạy trong Kinh Thánh. Má thường nói rằng cho dù một người cứ ăn chay thường xuyên, nhưng nếu người này lại thù oán kẻ này, chưởi rủa người kia v.v, thì ăn chay cũng như không thôi; chẳng thà làm việc ngay thẳng thành thật thì còn hơn là ăn chay tụng kinh.
Lu-ca 17:21 21“và người ta sẽ không nói: ‘ở đây’ hay là ‘ở đó’; vì kìa, vương quốc Chúa Trời là ở trong các ngươi.”
Chúa Giê-su dạy rằng vương quốc Chúa Trời là ở trong lòng chúng ta.
Bây giờ chúng ta tổng hợp ý nghĩa của 4 đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng sự công nghĩa là tính tình của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, vương quốc Chúa Trời chính là sự công nghĩa, và vương quốc Chúa Trời là ở trong lòng chúng ta. Bởi vậy nếu chúng ta có sự công nghĩa trong lòng thì vương quốc Chúa Trời là ở trong lòng chúng ta; ngược lại nếu chúng ta không có sự công nghĩa trong lòng thì chúng ta không có vương quốc Chúa Trời. Nếu chúng ta không có vương quốc Chúa Trời thì chúng ta không có sự sống đời đời. Nếu chúng ta không có sự sống đời đời hiện bây giờ trên thế gian này, thì trong tương lai chúng ta cũng không có sự sống đời đời, chúng ta sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục.
Tôi là một người rất ham mộ tính tình công nghĩa của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, và tôi bằng lòng trả bất cứ giá nào để được nhận lãnh sự công nghĩa.
2 Phi-e-rơ 3:10 – 13 10 Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các tầng trời sẽ tiên tan với một tiếng vang rầm, các nguyên tố sẽ bị lửa thiêu hủy, trái đất cùng mọi vật trên thế gian đều sẽ bị đốt cháy. 11 Vì mọi vật sẽ bị hủy diệt bằng cách này, thì anh em phải là người như thế nào? Anh em phải trở nên thánh sạch và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình 12 trong khi chờ đợi và đẩy nhanh ngày của Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các nguyên tố sẽ bị thiêu mà tan chảy đi ! 13 Nhưng theo lời hứa của Ngài, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công nghĩa ăn ở.
Trong tương lai vào ngày của Chúa Trời, các tầng trời cũ và trái đất cũ này sẽ bị thiêu đốt hết. Ngài sẽ tạo nên trời mới và đất mới, ấy là nơi ăn ở của sự công nghĩa, có nghĩa là chỉ có những người công nghĩa mới được ở trong trời mới đất mới. Nếu chúng ta là người công nghĩa thì ta được ở trong trời mới đất mới. Nhưng nếu ta không phải là người công nghĩa thì ta không có phần trong trời mới đất mới, và ta sẽ bị tiêu tan cùng với trời cũ đất cũ này.
Các bạn thấy rõ tầm quan trọng của sự công nghĩa chưa? Nhưng không chừng quí vị nghĩ rằng, “Tôi biết sự công nghĩa là quan trọng lắm, nhưng tôi cũng là người công nghĩa chứ, tôi đâu có giết người hay làm việc gian ác phi pháp, tôi đâu có lừa gạt tiền bạc của người ta. Cho dù tôi không phải công nghĩa như Chúa Giê-su vậy, nhưng tôi có thể trau dồi đức tính này ngay từ bây giờ là được rồi!”
Hỡi các bạn ơi, sự công nghĩa của Chúa Trời thì không phải chỉ là làm một vài điều lành, trợ giúp một số tiền bạc cho người nghèo là xong ! (Xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Là Cuộc Sống Công Nghĩa”, “Tại Sao Chỉ Làm Điều Lành Vẫn Không Được Hưởng Sự Sống Đời Đời?”) Sự công nghĩa là tính tình của Chúa Trời, mà tính tình của Ngài là hoàn toàn trái ngược với bản tánh của loài người ta. Chúng ta không cách nào tự trau dồi sự công nghĩa mà trở thành con người công nghĩa. Chỉ khi Chúa Trời ban sự công nghĩa cho ta thì ta mới có sự công nghĩa thôi.
Ta Phải Làm Gì Mới Được Nhận Lãnh Sự Công Nghĩa?
Vậy chúng ta phải làm gì mới được nhận lãnh sự công nghĩa? Căn cứ theo câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:6, nếu chúng ta ham mộ sự công nghĩa tựa như người bị đói kém khao khát đồ ăn nước uống vậy, thì Chúa Trời sẽ ban sự công nghĩa cho ta. Vậy ta phải làm cái gì đây?
Rô-ma 1:17 17 vì trong Tin Lành này có bày tỏ rằng sự công nghĩa của Chúa Trời là bởi đức tin mà được, và lại dẫn đến đức tin nữa, như có lời chép rằng: “Người công nghĩa sẽ sống bởi đức tin.”
Câu Kinh Thánh này dạy rằng sự công nghĩa là bởi đức tin mà được. Khi ta có đức tin vào Chúa Giê-su thì ta sẽ được nhận lãnh sự công nghĩa. Nhưng đức tin vào Chúa Giê-su thì không những chỉ là tin rằng: Chúa là Con của Chúa Trời, Chúa đến để cứu vớt tội nhân, Chúa chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho chúng ta, khi ta tin vào Chúa, thì huyết báu của Chúa sẽ rửa sạch hết thảy tội lỗi của ta. Tất cả những điều này là đúng, chúng ta cần phải tin vào những điều này, nhưng chưa đủ. Một đức tin chân chính trong Kinh Thánh còn bao gồm sự vâng phục nữa.
Rô-ma 1:5 5 nhờ Chúa chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ để vì danh Chúa mà đem mọi dân tộc đến sự vâng phục của đức tin.
Câu Kinh Thánh này nói đến sự vâng phục của đức tin. Khi ta có một đức tin chân chính, thì ta sẽ vâng phục Chúa Giê-su.
Rô-ma 16:26 26 mà bây giờ được khải thị bởi các sách tiên tri, và theo lệnh của Chúa Trời hằng sống, cho mọi dân tộc nhận biết để đem họ đến sự vâng phục của đức tin,
Một lần nữa đoạn Kinh Thánh này cũng nói đến sự vâng phục của đức tin. Sự vâng phục và đức tin vào Chúa thì dính liền với nhau. Khi ta tin vào Chúa, thì chúng ta phải vâng phục Chúa. Sự vâng phục Chúa là sự thể hiện ra bên ngoài của một đức tin chân thành ở bên trong. Nếu ta không vâng phục Chúa thì đức tin của ta không phải là một đức tin chân chính.
Rô-ma 6:17 – 18 17 Nhưng tạ ơn Chúa Trời, cho dù anh em từng là nô lệ của tội lỗi, mà anh em hết lòng vâng phục lời dạy đã truyền cho anh em. 18 Vậy anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên nô lệ của sự công nghĩa rồi.
Căn cứ theo lời dạy của Chúa Giê-su trong Giăng 8:34: “ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi,” Chúng ta đều từng phạm tội, bởi vậy chúng ta đều là nô lệ của tội lỗi. Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng cho dù chúng ta từng là nô lệ của tội lỗi, nhưng khi chúng ta hết lòng vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su, thì ta được buông tha khỏi tội lỗi, có nghĩa là chúng ta không còn là nô lệ của tội lỗi nữa.
Khi chúng ta còn là nô lệ của tội lỗi thì lẽ dĩ nhiên chúng ta không có sự công nghĩa. Nhưng sau khi ta được buông tha khỏi tội lỗi rồi, thì chúng ta trở nên nô lệ của sự công nghĩa. Nếu chúng ta là nô lệ của sự công nghĩa thì ta có sự công nghĩa. (Xin đọc 2 bài giảng “Nô Lệ Của Công Nghĩa (1)” và “Nô Lệ Của Công Nghĩa (2)”)
Rô-ma 6:20 – 22 20 Bởi vì khi anh em còn là nô lệ của tội lỗi, anh em được tự do không bị cai quản bởi sự công nghĩa. 21 Thế thì anh em đã được kết quả gì từ những điều mà hiện nay anh em hổ thẹn? Bởi vì hậu quả của những điều đó là sự chết. 22 Nhưng bây giờ anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Chúa Trời rồi, thì kết quả là sự thánh sạch, và sau cùng là sự sống đời đời.
Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra sự khác biệt lớn lao giữa nô lệ của tội lỗi và nô lệ của Chúa Trời. Tại vì Chúa Trời Gia-vê là sự công nghĩa của chúng ta, cho nên nô lệ của Chúa Trời tức là nô lệ của sự công nghĩa.
Khi chúng ta là nô lệ của tội lỗi, chúng ta được tự do không bị cai quản bởi sự công nghĩa, có nghĩa là chúng ta không cần phải vâng phục lời dạy về sự công nghĩa, nhưng hậu quả là cái gì? Hậu quả là sự chết. Sự chết này chẳng những là cái chết của thân thể xác thịt, mà còn là cái chết của linh hồn nữa; hiện bây giờ trên thế gian này chúng ta không có cuộc sống thuộc linh trong Chúa Giê-su, và trong tương lai chúng ta cũng không có sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời, chúng ta sẽ bị hư mất. Còn nếu chúng ta được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Chúa Trời thì kết quả là ta được trở nên thánh sạch, và sau cùng ta còn được sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta tổng hợp lại ý nghĩa của 5 đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng nếu ta muốn được nhận lãnh sự công nghĩa thì ta phải có đức tin chân thành đối với Chúa Giê-su, tại vì người công nghĩa thì sống bởi đức tin. Nhưng một đức tin chân thành không phải chỉ là tin tưởng trong đầu óc thôi, một đức tin chân thành bao gồm sự vâng phục. Khi ta hết lòng vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su thì ta được buông tha khỏi tội lỗi và được trở nên nô lệ của sự công nghĩa. Nô lệ của sự công nghĩa thì rất khác biệt với nô lệ của tội lỗi. Nếu ta là nô lệ của tội lỗi thì hậu quả là sự chết. Còn nếu chúng ta là nô lệ của Chúa Trời thì ta được trở nên thánh sạch, và sau cùng là sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời.
Kết Luận
Hôm nay chúng ta đã học tập câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:6, “Phước cho những kẻ đói khát sự công nghĩa vì sẽ được thỏa mãn !” Nếu chúng ta ham mộ sự công nghĩa tựa như người bị đói kém thèm muốn đồ ăn nước uống, ta vui lòng trở thành nô lệ của sự công nghĩa để được nhận lãnh sự công nghĩa, như vậy thì Chúa Trời sẽ ban cho sự công nghĩa, và sau này ta còn được sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời nữa.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church