Sáng Thế Ký (1)
Chúa Trời Đức Gia-vê Sáng Tạo Trời Đất, Muôn Vật Và Loài Người
Sáng Thế Ký 1:1 – 2:25
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Bộ Cựu Ước Của Kinh Thánh Là Rất Mực Quan Trọng
Sáng Thế Ký là quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh. Có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc nghĩ rằng Cựu Ược là không quan trọng, họ nghĩ rằng chúng ta ở trong thời kỳ Tân Ước, chúng ta chỉ cần học tập Tân Ước là đủ rồi, chúng ta không cần phải học tập Cựu Ước nữa. Đó là một ý tưởng hoàn toàn sai lầm.
2 Ti-mô-thê 3:16 – 17 16 Toàn bộ Kinh Thánh đều là bởi Chúa Trời mặc thị, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện người trong sự công nghĩa, 17 hầu cho người của Chúa Trời được trang bị đầy đủ và sẵn sàng để làm mọi việc lành.
Khi sứ đồ Phao-lô viết đoạn Kinh Thánh trên, lúc đó còn chưa có bộ Tân Ước. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 2, tức là hơn một trăm năm sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Hội Thánh mới bắt đầu dần dần thu thập lại bốn quyển sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, và những thư từ của các sứ đồ; rồi sau một vài thế kỷ nữa bộ Tân Ước mới được dựng nên. Lúc đó các sứ đồ đều đã chết đi từ lâu rồi. Bởi vậy từ ngữ “Kinh Thánh” trong đoạn Kinh Thánh trên 2 Ti-mô-thê 3:16 – 17 là chỉ về bộ Cựu Ước, chứ không phải Tân Ước. Sứ đồ Phao-lô nói rằng “toàn bộ Kinh Thánh”, tức là bộ Cựu Ước của Kinh Thánh là do Chúa Trời mặc thị, rất quan trọng trong việc dạy dỗ và đào luyện người dân của Ngài.
Ga-la-ti 3:23 – 25 23 Nhưng trước khi đức tin đến, chúng ta bị Luật Pháp canh giữ cho đến khi đức tin được khải thị. 24 Bởi vậy, Luật Pháp là thầy giáo dẫn chúng ta đến đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được trở nên công nghĩa. 25 Nhưng khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa.
Luật Pháp bao gồm năm quyển sách đầu tiên trong Cựu Ước của Kinh Thánh: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký. Ấy là phần quan trọng nhất trong Cựu Ước.
Đoạn Kinh Thánh trên đề cập đến “đức tin”, ấy là đức tin vào Chúa Giê-su Christ, Con của Chúa Trời. Trước kia trong thời kỳ Cựu Ước, người dân của Chúa Trời Đức Gia-vê đều phải vâng giữ Luật Pháp, mãi cho đến khi Ngài khải thị cho muôn dân về đức tin vào đấng Christ. Bởi vậy Luật Pháp là tựa như thầy giáo dẫn đưa người dân của Chúa Trời đến đấng Christ. Khi chúng ta có một đức tin chân chính, thì ta mới được trở nên công nghĩa. Sau khi thầy giáo đã dẫn đưa chúng ta đến với đấng Christ rồi, chúng ta chỉ cần vâng giữ lời dạy của Christ thôi, chúng ta không cần phải vâng giữ Luật Pháp nữa.
Tuy rằng chúng ta không còn phục dưới Luật Pháp, nhưng chúng ta vẫn phải học tập Luật Pháp. Thí dụ: Cho dù chúng ta sống trong thế kỷ 21, nhưng chúng ta vẫn phải học lịch sử của quốc gia từ mấy ngàn năm về trước. Nếu chúng ta không học lịch sử, thì ta không biết tổ tiên của ta góp phần vào việc xây dựng đất nước là khó khăn gian khổ đến dường nào! Kinh Thánh là bộ lịch sử của kế hoạch cứu chuộc loài người, nếu chúng ta không học tập Cựu Ước, chỉ học tập Tân Ước thôi, thì chúng ta chỉ hiểu biết phân nửa của kế hoạch cứu chuộc, chứ không hiểu biết toàn bộ. Hơn nữa, Kinh Thánh là lời của Chúa Trời, Ngài đàm thoại và dạy dỗ chúng ta qua Kinh Thánh. Nếu chúng ta không học tập Cựu Ước, chúng ta không hiểu rõ tính tình công nghĩa thánh sạch và quyền năng vĩ đại của Chúa Trời.
Căn cứ vào những điểm kể trên, chúng ta thấy học tập bộ Cựu Ước là cần thiết cho cuộc sống thuộc linh của Tín Đồ Cơ Đốc.
Chúa Trời Đức Gia-vê Là Đấng Có Nhiều Năng Lực
Sáng Thế Ký 1:1 1 Ban đầu, Chúa Trời sáng tạo trời đất.
Cựu Ước của Kinh Thánh là viết bằng chữ Hê-bê-rơ. Từ ngữ “Chúa Trời” trong nguyên văn Hê-bơ-rơ là “אֱלֹהִים ” (Elohim). “אֵל” (el) có nghĩa là sức mạnh, năng lực. Theo ngữ pháp của chữ Hê-bơ-rơ, danh từ ở số nhiều thì kèm theo hậu tố “im” ở đằng sau. Bởi vậy “אֱלֹהִים” (Elohim) có nghĩa là nhiều năng lực.
Ngay từ câu đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa Trời khải thị rằng Ngài là Đấng có nhiều năng lực.
Sáng Thế Ký 2:4 4 Ấy là gốc tích trời đất khi được sáng tạo, trong ngày Gia-vê Chúa Trời dựng nên trời đất.
“Gia-vê” là danh của Chúa Trời. Nguyên văn Hê-bơ-rơ của chữ “Gia-vê” là “יהוה” (Yahweh). Danh Gia-vê xuất hiện 6828 lần trong Cựu Ước của Kinh Thánh, còn từ ngữ Chúa Trời “אֱלֹהִים” (Elohim) chỉ xuất hiện 2602 lần thôi. Bởi vậy trong Cựu Ước, danh “Gia-vê” là còn quan trọng hơn từ ngữ “Chúa Trời” nữa.
Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15 15 Chúa Trời bảo Môi-se rằng: “Ngươi sẽ nói với dân Y-sơ-ra-ên như vậy: ‘Gia-vê, Chúa Trời của tổ tiên các ngươi, Chúa Trời của Áp-ra-ham, Chúa Trời của Y-sác, Chúa Trời của Gia-cốp, đã sai tôi đến cùng các ngươi.’ Ấy là danh đời đời của ta, ấy là danh ta phải được ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Chúa Trời Đức Gia-vê dặn bảo người dân của Ngài phải ghi nhớ danh của Ngài mãi mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Giô-ên 2:32 32 Bấy giờ ai cầu khẩn danh của Gia-vê thì sẽ được cứu; vì ở trên núi Si-ôn và trong thành Giê-ru-sa-lem, sẽ có những người được thoát nạn, như Gia-vê đã nói vậy, những người sống sót được Gia-vê kêu gọi.
Tiên tri Giô-ên báo trước rằng vào ngày sau cùng, những người cầu khẩn danh Gia-vê thì sẽ được cứu.
Một Mình Chúa Trời Sáng Tạo Trời Đất, Muôn Vật Và Loài Người
Sáng Thế Ký 1:2 2 Đất không có hình dạng và trống không, tối tăm ở trên mặt vực thẳm, và Linh của Chúa Trời vận hành trên mặt nước.
Câu này đề cập đến “Linh của Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Vậy Linh của Chúa Trời có phần trong việc sáng thế. Linh của Chúa Trời có nghĩa là gì? Linh của Chúa Trời có phải là một đấng thần linh khác không?
Mi-chê 3:8 8 Nhưng về phần tôi, tôi được đầy dẫy năng lực, Linh của Gia-vê, sự công bằng và sức mạnh, để công bố cho Gia-cốp biết về sự phản nghịch của nó, và cho Y-sơ-ra-ên biết tội lỗi nó.
Trong câu Kinh Thánh này, Linh của Chúa Trời Đức Gia-vê là dính liền với năng lực và sức mạnh của Ngài.
Xa-cha-ri 4:6 6 Người đáp rằng: “Ðây là lời của Gia-vê truyền cho Xô-rô-ba-bên rằng: ‘Chẳng phải bởi sức mạnh, cũng chẳng phải bởi năng lực, nhưng bởi Linh của ta,’ Gia-vê vạn quân phán vậy.
Chúa Trời Đức Gia-vê sai một đấng thiên sứ đi phán truyền cho Xô-rô-ba-bên rằng chẳng phải bởi sức mạnh hay năng lực của loài người, nhưng bởi Linh của Ngài mà mọi việc được thành tựu.
Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38 38 thể nào Chúa Trời đã xức dầu Chúa Giê-su ở Na-xa-rét bằng Thánh Linh và năng lực, rồi Chúa đi khắp nơi làm phước và chữa lành tất cả những người bị ma quỉ áp bức; vì Chúa Trời ở cùng Chúa.
Thánh Linh tức là Linh của Chúa Trời. Ngài đã xức dầu Chúa Giê-su bằng Thánh Linh và năng lực.
1 Cô-rinh-tô 2:4 4 Lời nói và truyền giảng của tôi chẳng phải bằng lời thuyết phục của sự khôn ngoan, nhưng bằng sự thể hiện của Thánh Linh và năng lực.
Sứ đồ Phao-lô nói rằng người truyền giảng Tin Lành chẳng phải bởi lời thuyết phục và sự khôn ngoan, nhưng lời giảng của người là sự thể hiện của Thánh Linh và năng lực.
Bốn đoạn Kinh Thánh trên: Mi-chê 3:8, Xa-cha-ri 4:6, Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38, 1 Cô-rinh-tô 2:4 chỉ ra cho ta thấy rằng trong Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, Linh của Chúa Trời là dính liền với sức mạnh và năng lực của Ngài.
Bởi vậy Linh của Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 1:2 chính là năng lực của Ngài, chứ không phải là một đấng thiên sứ hay thần linh khác. Năng lực của Chúa Trời vận hành trên mặt nước để sửa soạn sáng tạo muôn vật.
Ngoài ra trong Sáng Thế Ký 1:1, động từ “sáng tạo” (בָּרָא) (ba-ra) là ở số ít. Bởi vậy chỉ có một mình Chúa Trời sáng tạo trời đất, không có một đấng nào khác trong công trình sáng thế.
Công Trình Sáng Thế Trong Sáu Ngày
Chúa Trời Đức Gia-vê đã sáng tạo trời đất, muôn vật và loài người trong sáu ngày.
1. Chúa Trời dựng nên sự sáng vào ngày thứ nhất
Chúa Trời nói rằng: “Phải có sự sáng,” thì có sự sáng hiện ra. Chúa Trời thấy rằng sự sáng thì tốt lắm, và Ngài phân biệt giữa sự sáng và tối tăm. Ngài đặt tên cho sự sáng là ngày, và tối tăm là đêm. Ấy là ngày thứ nhất, có buổi chiều và buổi sáng.
2. Chúa Trời dựng nên bầu trời vào ngày thứ hai
Chúa Trời nói rằng: “Phải có một khoảng không ở giữa nước để phân cách nước ra làm hai.” Ngài bèn làm nên khoảng không để phân cách nước ở dưới khoảng không với nước ở trên khoảng không. Rồi Chúa Trời đặt tên cho khoảng không là bầu trời. Ấy là ngày thứ hai, có buổi chiều và buổi sáng.
3. Chúa Trời dựng nên đất, biển và cây cối vào ngày thứ ba
Chúa Trời nói rằng: “Nước ở dưới bầu trời phải tụ tập lại một chỗ, và phải có chỗ khô cạn hiện ra.” Ngài đặt tên cho chỗ khô cạn là đất, còn chỗ mà nước tụ tập lại thì gọi là biển. Chúa Trời thấy rằng điều đó là tốt lắm. Rồi Ngài lại nói rằng: “Đất phải sinh ra cây cối: các cây nhỏ mang hột giống và các cây sinh quả theo nhiều loại khác nhau.” Ngài thấy điều đó là tốt lắm. Ấy là ngày thứ ba, có buổi chiều và buổi sáng.
4. Chúa Trời dựng nên mặt trời, mặt trăng vào ngày thứ tư
Chúa Trời nói rằng: “Phải có các vì sáng trên bầu trời để phân biệt ngày và đêm và dùng làm dấu để định thời tiết và ngày tháng năm, và cũng để soi sáng bầu trời và mặt đất.” Ngài làm nên hai vì sáng: một vì sáng lớn hơn để cai trị ban ngày, còn vì sáng nhỏ hơn để cai trị ban đêm, và các ngôi sao nữa. Ngài đặt các vì sáng đó trên bầu trời để soi sáng mặt đất, cai quản ban ngày và ban đêm, và phân biệt sự sáng và tối tăm. Chúa Trời thấy điều đó là tốt lắm. Ấy là ngày thứ tư, có buổi chiều và buổi sáng.
5. Chúa Trời sáng tạo các loài cá lơn, các vật sống trong nước và các loài chim bay trên trời vào ngày thứ năm
Chúa Trời nói rằng: “Nước phải sinh ra các vật sống, và các loài chim phải bay trên mặt đất ngang qua bầu trời.” Ngài sáng tạo các loài cá lớn, các vật sống trong nước theo nhiều loại và các loài chim bay trên trời tùy từng loại. Ngài thấy điều đó là tốt lắm. Ngài ban phước cho các loài đó và nói rằng: “Hãy sinh sản tăng thêm nhiều nhiều cho đầy cả nước biển, và các loài chim hãy gia tăng thật nhiều trên mặt đất.” Ấy là ngày thứ năm, có buổi chiều và buổi sáng.
6. Chúa Trời dựng nên các loài vật sống trên mặt đất và loài người vào ngày thứ sáu
Chúa Trời nói rằng: “Đất phải sinh ra các loài vật sống tùy theo loại, ấy là các gia súc, côn trùng và các loài thú đều tùy theo loại.” Ngài làm nên các loài thú, các gia súc, và các côn trùng trên mặt đất. Ngài thấy điều đó là tốt lắm. Rồi Ngài sáng tạo loài người
Sự Sáng Tạo Loài Người
Khi Chúa Trời dựng nên các vật khác như sự sáng, bầu trời, mặt trời, mặt trăng, biển, các vật sống v.v, Ngài chỉ cần nói một lời thì muôn vật được làm nên. Nhưng khi sáng tạo con người, thì Ngài sắp đặt một kế hoạch cho con người và giúp đỡ con người thực hiện kế hoạch đó.
1. Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh của Ngài
Sáng Thế Ký 1:26 – 27 26 Chúa Trời nói rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ảnh ta và theo tượng ta, để họ quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất, và các loài vật bò trên mặt đất.” 27 Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài; Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh của Chúa Trời; Ngài sáng tạo người nam cùng người nữ.
Từ ngữ “sáng tạo” (בָּרָא) (ba-ra) được dùng 3 lần trong câu 27 của đoạn Kinh Thánh trên. Khi Chúa Trời dựng nên sự sáng, bầu trời, đất, các con vật v.v., Kinh Thánh không dùng chữ “sáng tạo” (בָּרָא), mà dùng chữ “làm nên” (עָשָׂה) (a-sa). Trong Cựu Ước, chữ “sáng tạo” (בָּרָא) chỉ được dùng trong những việc làm của Chúa Trời, chữ này không được dùng trong việc làm của loài người và loài vật; vậy chỉ có Chúa Trời mới có khả năng sáng tạo (בָּרָא).
Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh của Ngài. Tất cả muôn vật khác đều không mang hình ảnh của Chúa Trời, chỉ có loài người mới có hình ảnh của Ngài.
Bởi vậy, chúng ta thấy hai điểm rất quan trọng:
2. Chúa Trời giao cho loài người công việc chinh phục mặt đất và quản trị các loài vật
Tại sao Chúa Trời sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài? Mục đích của Ngài là cái gì?
Sáng Thế Ký 1:28 28 Chúa Trời ban phước cho loài người và nói rằng: “Hãy sinh sản và gia tăng, và làm cho đầy dẫy mặt đất, và chinh phục nó; hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.”
Ngay sau khi loài người được sáng tạo ra, thì Chúa Trời bắt đầu đàm thoại với họ. Và Chúa Trời đã sắp đặt một kế hoạch ngay từ ban đầu, ấy là loài người sẽ là đại diện cho Ngài trên trái đất. Bởi vậy loài người được sáng tạo ra theo hình ảnh của Chúa Trời, rồi loài người sẽ đại diện Chúa Trời mà chinh phục trái đất này và quản trị muôn vật. Kế hoạch này sẽ được thực hiện khi Con của loài người Chúa Giê-su ra đời.
Chúa Trời thấy tất cả những vật Ngài đã tạo ra thiệt là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi sáng, ấy là ngày thứ sáu.
Vậy trời đất và muôn vật đã được dựng nên trong sáu ngày. Khi Chúa Trời làm xong các công việc rồi, thì Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt ngày đó là ngày thánh.
3. Chúa Trời dựng nên một khù vườn Ê-đen cho loài người ở
Chúa Trời chăm sóc con người rất kỹ lưỡng. Ngài trồng một khu vườn Ê-đen rất đẹp ở về phía đông cho con người ở. Trong vườn Ê-đen, Ngài khiến đất mọc lên mọi thứ cây cối đẹp mắt và mang trái cây ngon miệng. Ở giữa vườn có cây sự sống và cây nhận biết điều thiện và điều ác.
4. Chúa Trời cho phép loài người ăn bất cứ trái cây nào trong vườn ngoại trừ cây hiểu biết điều thiện và điều ác
Chúa Trời Đức Gia-vê cho con người vào vườn Ê-đen để trồng trọt và giữ vườn. Ngài cho phép con người ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, nhưng chỉ có trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác thì người không được phép ăn; tại vì khi người ăn trái đó thì người sẽ chết.
5. Chúa Trời làm nên một kẻ giúp đỡ cho người
Kinh Thánh ghi lại rằng tên của con người là “A-dam.” Thật ra, trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, ý nghĩa của “A-dam” chính là “con người”. Chúa Trời rất quan tâm cho con người, Ngài thấy A-đam cần một kẻ giúp đỡ. Ngài dùng đất nắn nên các gia súc, các thú đồng và chim trời, rồi đem đến cho A-đam để người đặt tên cho từng con một. Nhưng về phần A-dam thì chẳng tìm được một người giúp đỡ thích hợp với mình. Rốt cuộc, Chúa Trời khiến A-đam ngủ mê, rồi Ngài lấy một chiếc xương sường của người, rồi lấp chỗ thịt đó lại. Ngài dùng xương sường đó mà dựng nên một người nữ và đem đến cùng A-đam, ấy mới là kẻ giúp đỡ thích hợp cho người. A-đam nói rằng: “Nầy là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì người do người nam mà ra.”
A-đam và người nữ kết hợp thành vợ chồng, hai người trở nên một thân. Lúc đó A-đam và người vợ đều trần truồng, nhưng họ chẳng thấy hổ thẹn.
Kết Luận
Hôm nay chúng ta đã học tập về công trình sáng tạo trời đất, muôn vật và loài người. Chúng ta thấy rằng danh của Chúa Trời là Gia-vê “יהוה” (Yahweh). Chúa Trời là một Đấng có nhiều năng lực; một mình Chúa Trời hoàn thành công trình sáng thế, không có một đấng thần linh khác trong công trình sáng thế này.
Chúa Trời sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình, Ngài ban cho con người có địa vị cao hơn tất cả các loài vật khác.
Chúa Trời giao cho con người cái chức vụ phải chinh phục trái đất và cai quản muôn vật.
Chúa Trời chăm sóc con người rất kỹ lưỡng. Ngài dựng nên một mảnh vườn rất đẹp cho con người ở, Ngài cho phép con người ăn tất cả các trái cây ngon miệng trong vườn, ngoại trừ trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác. Ngài dựng nên một người nữ làm kẻ giúp đỡ cho con người.
Nhưng con người và bà vợ có chịu vâng giữ lời của Chúa Trời không? Kỳ sau chúng ta sẽ học tiếp quyển sách Sáng Thế Ký.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church