You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (11)

Phó Thác Hoàn Toàn (11)

Yêu Thương Người Lân Cận

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Nước Chúa Trời Và Luật Pháp

“Nước Chúa Trời” là trung tâm của lời dạy của Chúa Giê-su. Chữ “nước” ở đây không phải là một quốc gia, mà là nói về quyền hành cai trị. Nước Chúa Trời có nghĩa là quyền hành cai trị của Chúa Trời trong con dân của Ngài. Mà tất cả con dân chân chính của Chúa Trời hợp lại thì chính là Hội Thánh. Bởi vậy trong thế hệ hiện bây giờ, quyền hành cai trị của Chúa Trời trên thế gian là trong Hội Thánh, hay nói một cách khác, Hội Thánh là nước Chúa Trời trên thế gian này.

Quyền hành cai trị thì dính liền với luật pháp và mệnh lệnh. Trong một nước thì phải có luật pháp, chính phủ căn cứ vào luật pháp mà ban hành mệnh lệnh. Nếu không có luật pháp và mệnh lệnh thì cả nước sẽ loạn lên. Có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc lầm tưởng rằng trong Giao Ước Mới thì không có luật pháp gì cả. Ý tưởng đó là hoàn toàn sai lầm. Trong Giao Ước Mới chúng ta không cần phải tuân theo Luật Pháp trong Giao Ước Cũ nữa, nhưng chúng ta phải vâng giữ Luật Pháp thuộc linh của nước Chúa Trời.

Nước Chúa Trời và Điều Răn về Yêu Thương Người Lân Cận

1 Giăng 2:7 7 Anh em thân mến, tôi không phải viết cho anh em một điều răn mới, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có từ lúc ban đầu; điều răn cũ nầy chính là lời mà anh em đã nghe.

Đoạn Kinh Thánh này nói đến một điều răn cũ mà các anh em Tín Đồ đã được nghe từ lúc ban đầu. Điều răn đó là gì?

1 Giăng 2:9 – 10 9 Người nào nói mình ở trong sự sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong sự tối tăm. 10 Ai yêu mến anh em mình thì ở trong sự sáng, và chẳng có điều gì ở trong người khiến người vấp ngã.

Điều răn đó chính là điều răn về yêu thương. Kẻ nào ghét anh em Tín Đồ thì vẫn còn sống trong tối tăm. Mà nơi tối tăm là nơi của tội lỗi và chết chóc. Bởi vậy hễ ai thù ghét anh em mình thì vẫn còn sống trong tội lỗi và chết chóc. Ngược lại, hễ ai yêu mến anh em mình thì ở trong sự sáng. Chúa Giê-su là sự sáng của thế gian, những người ở trong sự sáng thì ở trong Chúa, và họ không bị vấp ngã.

Luật Pháp mới của nước Chúa Trời được tổng hợp trong một điều răn duy nhất, ấy là điều răn về yêu thương người lân cận. Điều răn này là tinh hoa của nước Chúa Trời trong Giao Ước Mới. Nếu chúng ta muốn sống dưới vương quyền của Chúa Trời thì chỉ có một điều kiện duy nhất, ấy là yêu thương anh chị em Tín Đồ.

Những ông thầy dạy Luật nói rằng trong Cựu Ước có 613 điều răn. Thật ra không ai có thể nhớ rõ hết thảy 613 điều răn này. Nhưng trong Tân Ước thì chỉ có một điều răn thôi. Điều răn này là rất mực quan trọng, hễ ai không vâng giữ điều răn này thì người ấy không chịu phục dưới quyền hành cai trị của Chúa Trời, và người ấy không được phép sống trong nước Chúa Trời.

Ngược lại, nếu bạn thừa nhận Chúa Trời là vua trong cuộc đời của bạn, thì bạn phải vâng giữ điều răn này. Bởi vậy điều kiện để được sống trong nước Chúa Trời chính là vâng giữ điều răn về yêu thương người lân cận.

Nước Chúa Trời và Thánh Linh

Trong Tân Ước, quyền hành cai trị của Chúa Trời và Thánh Linh là dính liền với nhau.

Ma-thi-ơ 12:28 28 Nhưng nếu ta nhờ Thánh Linh của Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Chúa Trời đã đến tận các ngươi.

Muốn trừ quỉ thì cần phải có quyền năng. Chúa Giê-su nói rằng nếu Chúa nhờ quyền năng của Thánh Linh để trừ quỉ, thì nước Chúa Trời đã đến tận chúng ta. Bởi vậy nước Chúa Trời và Thánh Linh là đi đôi với nhau.

Rô-ma 14:17 17 Vì nước Chúa Trời chẳng phải là sự ăn uống, nhưng là sự công nghĩa, bình yên và vui vẻ trong Thánh Linh.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng nước Chúa Trời chính là sự công nghĩa, bình yên và vui vẻ trong Thánh Linh.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy Thánh Linh ở đâu thì quyền hành của Chúa Trời cũng ở đó. Ngược lại người nào không có Thánh Linh thì người ấy không vâng phục quyền hành của Ngài.

Thánh Linh và Lòng Yêu Thương

Hơn nữa hễ ai có Thánh Linh ngự ở bên trong thì người ấy chẳng những vâng phục quyền hành của Chúa Trời, mà người còn có lòng yêu thương nữa.

Rô-ma 5:5 5 Và niềm hy vọng không để chúng ta thất vọng, vì Chúa Trời đã đổ tuông tình yêu thương vào trong lòng chúng ta bởi Thánh Linh là đấng đã được ban cho chúng ta.

Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng chính là bởi Thánh Linh mà niềm yêu thương được đổ tuông vào trong tâm hồn của chúng ta.

Ga-la-ti 5:22 – 23 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23 nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng lòng yêu thương chính là một trong 9 đức tính trong quả của Thánh Linh.

Hai đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy rằng sở dĩ chúng ta có thể yêu thương người lân cận không phải là bởi khả năng của mình. Sở dĩ chúng ta có lòng yêu thương người khác là tại vì quyền năng của Thánh Linh biến hóa tâm hồn của ta, nhờ vậy mà ta có thể yêu thương người khác tương tự như Chúa Trời đã yêu thương chúng ta vậy.

Mối Quan Hệ giữa Nước Chúa Trời, Thánh Linh và Lòng Yêu Thương

Những đoạn Kinh Thánh trên: Ma-thi-ơ 12:28, Rô-ma 14:17, Rô-ma 5:5, Ga-la-ti 5:22 – 23 chỉ ra rằng nước Chúa Trời, Thánh Linh và lòng yêu thương là dính liền với nhau. Hễ ai có Thánh Linh ngự ở bên trong thì người ấy vâng phục quyền hành của Chúa Trời và có lòng yêu thương người khác.

Lòng Yêu Thương và Tính Thuộc Linh

Bởi vậy muốn biết một người có phải thuộc linh hay không thì nên xem xét người này có yêu thương người khác hay không. Một người càng thuộc linh thì càng yêu thương người khác. Lòng yêu thương là tiêu chuẩn để đo lường tính thuộc linh của chúng ta.

Ngày nay có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc tưởng rằng hễ ai có thể nói tiếng lạ thì chắc là thuộc linh lắm. Nhưng căn cứ theo lời dạy của Chúa Giê-su, cho dù một người từng làm phép lạ và có thể trừ quỉ, nhưng người này chưa chắc là một người thuộc linh.

Ma-thi-ơ 7:22 – 23 22 Vào ngày đó, nhiều người sẽ nói cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” 23 Nhưng ta sẽ nói tuyên bố cùng họ rằng: “Ta chẳng nhận biết các ngươi bao giờ, hỡi những kẻ làm gian ác, hãy lui ra khỏi ta!”

“Vào ngày đó” tức là vào ngày Phán Xét, có nhiều người sẽ thưa cùng Chúa rằng, “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Nhưng Chúa sẽ phán cùng họ rằng, “Hỡi những kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” Tại sao Chúa lại chẳng nhận biết họ bao giờ? Tại vì họ không có sống theo điều răn yêu thương người lân cận.

Điều răn về yêu thương người lân cận là trung tâm của lời dạy của Chúa Giê-su. Nếu bạn không yêu thương người lân cận, thì cho dù bạn có thể trừ quỉ, nói tiên tri và làm phép lạ, nhưng vào ngày Phán Xét Chúa sẽ phán cùng bạn rằng, “Ta chẳng nhận biết ngươi bao giờ.”

Giăng 15:14 – 15 14 Nếu các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là nô lệ nữa, vì nô lệ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta đã tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe từ nơi Cha ta.

Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta làm theo điều Chúa dặn, thì ta sẽ được làm bạn hữu của Chúa. Mà Chúa đã dặn bảo điều gì?

Giăng 15:17 17 Ta mệnh lệnh các ngươi điều này: các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau.

Điều răn mà Chúa dặn bảo chúng ta chính là hãy yêu thương lẫn nhau.

Chúng ta cứ nghe hoài những chữ này “yêu thương lẫn nhau” đến nỗi ta cảm thấy nhàm tai. Chúng ta hãy cẩn thận. Ma quỉ sẽ dùng nhiều phương cách để khiến ta cảm thấy nhàm chán những chữ này “yêu thương lẫn nhau”. Nếu chúng ta nhàm chán về yêu thương người lân cận, tức là ta nhàm chán các anh chị em Tín Đồ. Khi ta nhàm chán các anh chị em Tín Đồ thì ta sẽ vấp ngã phạm tội. Chúng ta phải khắc phục hết thảy những dục vọng ý tưởng phản nghịch lại điều răn của yêu thương.

Ảnh Tượng của Nước Chúa Trời

Nước Chúa Trời thì dính liền với việc làm của Thánh Linh và lòng yêu thương giữa các anh chị em Tín Đồ. Chúa Trời nhờ Thánh Linh biến hóa tâm hồn của chúng ta để dựng nên một nhóm người hoàn toàn vâng phục quyền hành cai trị của Ngài và quyết chí yêu thương lẫn nhau. Vinh diệu của Chúa Trời sẽ được bày tỏ qua tình yêu thương lẫn nhau của các anh chị em Tín Đồ, và người đời sẽ bị tình yêu thương này thu hút mà đến cùng Ngài.

Tình Yêu Thương giữa Đa-vít và Giô-na-than

Bây giờ chúng ta bắt đầu học tập về lòng yêu thương người lân cận. Trong Kinh Thánh có ghi lại mối tình bạn hữu chân thành và cao quí giữa Đa-vít và Giô-na-than.

1 Sa-mu-ên 18:1 1 Đa-vít vừa tâu xong cùng Sau-lơ, thì tâm hồn của Giô-na-than liên kết cùng tâm hồn của Đa-vít, đến nỗi Giô-na-than yêu thương Đa-vít như mạng sống mình.

Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống của mình vậy. Trong câu 3 lặp lại một lần nữa những chữ này.

1 Sa-mu-ên 18:3 3 Giô-na-than lập một giao ước cùng Đa-vít, bởi vì Giô-na-than yêu thương người như mạng sống mình.

Khi chúng ta nói đến tình yêu thương người lân cận, chúng ta phải yêu thương người lân cận đến dường nào? Giả tỷ tôi yêu thương người lân cận một chút chút, tôi giúp đỡ người 1000 đồng, thì ấy cũng là tình yêu thương chứ, phải không? Cho dù 1000 đồng thì rất ít, nhưng đó vẫn bày tỏ tình yêu thương của tôi đối với người lân cận, phải không? Nhưng Chúa Giê-su chỉ ra rằng chúng ta cần phải yêu thương người lân cận như mình. Tặng 1000 đồng cho người lân cận thì không cần sự giúp đỡ của Thánh Linh, phần nhiều người đời cũng làm được điều này. Nhưng yêu thương người lân cận như mình thì chẳng ai làm nổi, trừ phi có sự giúp đỡ của Thánh Linh.

Kinh Thánh đã ghi lại mối tình thương yêu cao quí giữa Đa-vít và Giô-na-than trong 4 chương: 1 Sa-mu-ên chương 18, chương 19, chương 20 và chương 23. Kinh Thánh mô tả mối tình yêu thương này một cách tường tận như vậy, mục đích không phải là để cho ta đọc cho vui thôi. Kinh Thánh mô tả mối tình bạn hữu đẹp đẽ và thánh sạch này với mục đích là để ghi lại một gương mẫu cho chúng ta noi theo.

Mối Quan Hệ giữa Anh Chị Em Tín Đồ Tương Tự như Mối Quan Hệ trong Gia Đình

Tân Ước giảng dạy rằng mối tình thương yêu giữa các Tín Đồ Cơ Đốc là nồng hậu như mối tình thương yêu giữa ba má và anh chị em trong gia đình vậy.

1 Ti-mô-thê 5:1 – 2 1 Chớ nặng lời trách người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như người cha vậy, coi người nam trẻ tuỏi tựa như anh em, 2 coi đàn bà có tuổi tựa như người mẹ, coi bọn đàn bà trẻ tuổi tựa như chị em, với thái độ thánh sạch trọn vẹn.

Sứ đồ Phao-lô dặn bảo Ti-mô-thê nên đối xử với các Tín Đồ Cơ Đốc trong Hội Thánh như thế nào. Chúng ta phải coi người già cả như cha của mình, và coi người nam trẻ tuổi như anh em mình, coi người đàn bà có tuổi như người mẹ của mình, và coi bọn đàn bà trẻ tuổi như chị em mình.

Ma-thi-ơ 12:48 – 50 48 Chúa đáp rằng: “Ai là mẹ ta, ai là anh em ta?” 49 Chúa giơ tay chỉ về các môn đồ mình mà nói rằng: “Nầy là mẹ ta cùng anh em ta! 50 Vì hễ ai làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em ta, chị em ta, và là mẹ ta vậy.”

Chúa Giê-su dạy rằng những người làm theo ý muốn của Đức Cha ở trên trời thì chính là anh em, chị em ta và mẹ của chúng ta vậy.

Chẳng Ai Có Thể Yêu Mến Chúa Trời Mà Lại Không Yêu Mến Người Lân Cận

Mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều phải noi gương của Đa-vít và Giô-na-than mà yêu thương lẫn nhau như yêu thương chính mình vậy. Chẳng ai có thể viện cớ này cớ nọ mà không yêu mến anh chị em.

Lu-ca 10:29 – 37 29 Nhưng thầy ấy muốn chứng tỏ mình là công nghĩa, nên nói cùng Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” 30 Chúa Giê-su trả lời rằng: “Một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, người bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo của người, đánh đập người, rồi bỏ đi, để lại người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy người ấy, cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy người ấy thì động lòng thương xót; 34 người bèn áp lại, băng bó vết thương, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương; rồi người cho kẻ bị thương cỡi trên con lừa của mình, chở đến nhà quán trọ mà săn sóc cho. 35 Hôm sau, người lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả cho.” 36 Trong ba người đó, ngươi nghĩ ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Thầy dạy Luật nói rằng: “Ấy là kẻ đã có lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su nói rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Có một ông thầy dạy Luật hỏi Chúa Giê-su, “Ai là người lân cận của tôi?”, và Chúa dùng ví dụ này để trả lời câu hỏi đó. Có một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô, người này lâm vào tay của kẻ trộm cướp, người bị giựt hết đồ đạc, còn bị đánh đập gần chết. Sau đó bọn cướp của bỏ người này nằm giữa đường. Có một thầy tế lễ đi qua , thấy người ấy, nhưng không giúp đỡ gì hết, vội vàng đi qua bên kia đường. Có một người Lê-vi đi qua, cũng không chịu giúp đỡ rồi đi khỏi. Không chừng thầy tế lễ và người Lê-vi tưởng rằng người ấy đã chết rồi. Căn cứ theo Luật Pháp của Cựu Ước, hễ ai đụng chạm một người chết thì người ấy sẽ trở nên ô uế không sạch. Và những kẻ ô uế thì không được hầu việc tại đền thờ của Chúa Trời. Mà thầy tế lễ và người Lê-vi đều phải hầu việc tại đền thờ, cho nên họ không dám đến gần kẻ bị thương này. (Xin đọc bài giảng “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)” để hiểu rõ giải thích về ví dụ này)

Thầy tế lễ và người Lê-vi đều là những người lãnh đạo tôn giáo, mà họ lại viện cớ phải hầu việc tại đền thờ của Chúa Trời mà không chịu cứu giúp kẻ bị thương này. Đó là một điều hoàn toàn sai lầm. Điều răn về kính mến Chúa Trời và điều răn về yêu thương người lân cận như mình là dính liền với nhau. Chẳng ai có thể kính mến Chúa Trời mà lại không yêu thương người lân cận. Chẳng ai có thể viện cớ phải hầu việc Chúa Trời mà không thể yêu mến anh chị em, Chúa Trời coi điều đó là ghê tởm vô cùng.

Khi Chúng Ta Yêu Mến Nhau Thì Thiên Hạ Sẽ Nhận Biết Ta Là Môn Đồ Của Chúa Giê-su

Giăng 13:35 35Nếu các ngươi yêu thương nhau, thì ấy là tại điều đó mà mọi người sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”

Bằng cách nào mà thiên hạ có thể nhận biết chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su? Có phải là tại vì ta giảng đạo rất hay chăng? Có phải là tại vì ta học thuộc quyển Kinh Thánh chăng? Không phải, Chúa dạy rằng chính là khi chúng ta có lòng yêu thương nhau thì thiên hạ sẽ nhận biết ta là môn đồ của Chúa.

Như Chúa Đã Yêu Chúng Ta Thể Nào, Thì Chúng Ta Cũng Hãy Yêu Nhau Thể Ấy

Chúa nói rằng khi chúng ta yêu thương nhau thì thiên hạ sẽ nhận biết ta là môn đồ của Chúa. Mà sự yêu thương nhau đó không phải chỉ là yêu thương nhau một chút chút thôi. Chúa dạy rằng y như Chúa đã yêu mến chúng ta thể nào, thì ta cũng phải yêu mến nhau thể ấy.

Giăng 13:34 34 Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, các ngươi hãy yêu thương nhau; như ta đã yêu thương các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.

Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta như thể nào? Chúa đã chịu chết vì ta, Chúa tình nguyện từ bỏ sinh mạng của mình vì cớ của ta.

1 Giăng 3:16 16 Bởi đó chúng ta nhận biết tình yêu thương, ấy là Chúa đã từ bỏ sự sống của mình vì chúng ta; và chúng ta cũng nên từ bỏ sự sống của mình vì anh em vậy.

Chúa đã vì chúng ta mà từ bỏ sự sống, cho nên chúng ta cũng phải yêu thương các anh chị em cùng một thể ấy, ta cũng phải từ bỏ sự sống vì anh chị em mình vậy.

Sự Yêu Thương Suốt Đời

Cuộc sống là liên quan đến thời gian, khi chúng ta còn sống thì ta vẫn có thời gian, khi ta chết rồi thì không còn thời gian nữa. Khi chúng ta vui lòng từ bỏ cuộc sống vì anh em mình, đó có nghĩa là ta vui lòng giao hết thảy thời gian của mình cho anh em mình. Bởi vậy sự yêu thương giữa các anh chị em Tín Đồ là sự yêu thương suốt đời. Ta phải yêu thương hết thảy các anh chị em Tín Đồ suốt đời, chứ không phải chỉ là yêu thương tạm thời, rồi sau một hồi là tiêu tan luôn. Không! Không phải như vậy đâu! Chúng ta phải giao phó chính mình vào trong sự yêu thương này suốt đời cho đến chết.

Ê-phê-sô 5:25 25 Hỡi các người chồng, hãy thương yêu vợ mình, như đấng Christ đã thương yêu Hội thánh và hiến dâng chính mình vì Hội thánh,

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ đã thương yêu Hội Thánh đến nỗi Chúa hiến dâng chính mình vì Hội Thánh, và các người chồng cũng nên thương yêu vợ mình cùng một thể ấy. Chúng ta phải hiến dâng chính mình hoàn toàn vào trong sự yêu thương các anh chị em Tín Đồ tương tự như ta hiến dâng chính mình vào trong hôn nhân vậy.

Tình yêu thương giữa Đa-vít và Giô-na-than chính là mối tình thương yêu như vậy, yêu thương suốt đời và giao phó chính mình hoàn toàn cho nhau.

Sự Phó Thác Hoàn Toàn trong Mối Quan Hệ giữa Người Chăn và Bày Chiên

Ngoài ra còn có sự phó thác hoàn toàn trong mối quan hệ giữa người chăn và bày chiên.

Giăng 10:11 11 Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành từ bỏ sinh mạng của mình vì bày chiên.

Chúa Giê-su là người chăn hiền lành, và chúng ta đều là bày chiên của Chúa. Chúa vui lòng vì bày chiên mà từ bỏ sự sống của mình. Chúa đã để lại một gương mẫu cho chúng ta noi theo, cho nên những người lãnh đạo trong Hội Thánh cũng phải sẵn sàng vì bày chiên mà từ bỏ sự sống của mình, những thầy cô truyền đạo cũng phải sẵn sàng vì môn đồ mà từ bỏ sự sống của mình.

Nếu Bạn Không Yêu Mến Anh Em Mình, Thì Bạn Không Thể Yêu Mến Chúa Trời

1 Giăng 4:20 20 Nếu ai nói rằng: “Tôi yêu kính Chúa Trời”, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu thương anh em mà người thấy được, thì không thể yêu kính Chúa Trời mà người chẳng thấy được.

Nếu bạn không yêu mến anh em mình, thì cho dù bạn nói bạn yêu mến Chúa Trời, nhưng lòng yêu mến của bạn đối với Ngài không phải là lòng yêu mến chân thành. Hễ ai không yêu mến anh em mình thì không thể yêu mến Chúa Trời. Tại sao vậy?

Lý do đầu tiên là hết thảy loài người đều được dựng nên theo hình tượng của Chúa Trời. Cho dù khi chúng ta phạm tội lỗi thì tội lỗi đã khiến hình tượng đó mờ đi, nhưng dù sao đi nữa, mỗi một người vẫn mang hình tượng của Chúa Trời, hình tượng đó chỉ là mờ đi thôi, chứ không có bị hủy diệt. Cho dù anh em có xúc phạm đến ta, ta vẫn phải yêu mến anh em vì anh em mang hình tượng của Chúa Trời.

Lý do thứ hai là hết thảy anh chị em Tín Đồ đều là những thành phần của thân thể của đấng Christ. Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giê-su Christ thì ta phải yêu mến thân thể của Chúa. Nếu chúng ta không yêu mến thân thể của Chúa Giê-su Christ thì tức là không yêu mến Chúa.

Hội Thánh là thân thể của Chúa Giê-su, khi người đời nhìn vào Hội Thánh thì họ thấy Chúa Giê-su. Nếu chúng ta yêu thương nhau một cách chân thành thì người đời sẽ thấy vinh diệu của Chúa qua Hội Thánh. Ngược lại nếu không có tình yêu thương giữa các anh chị em, thì Hội Thánh không còn là thân thể của Chúa Giê-su Christ nữa, tại vì có thân thể nào mà các thành phần lại chống nghịch lẫn nhau không? Nếu các thành phần của một thân thể chống nghịch lẫn nhau, thì thân thể đó sẽ chết.

Khi chúng ta tra khảo Kinh Thánh để tìm hiểu về tính chất của tội lỗi, ta thấy tội lỗi đã phá hoại mối quan hệ cùng với người lân cận của mình. Giả tỷ nếu tôi tự đánh thân mình một trận thì điều đó không phải là tội lỗi, nhưng nếu tôi đánh người lân cận của mình thì tôi đã phạm tội lỗi. Mỗi một tội lỗi chúng ta phạm đều gây thiệt hại cho người lân cận. Ngược lại nếu ta yêu thương người lân cận như mình thì ta hẳn không phạm tội nghịch cùng người lân cận, bởi vậy nếu ta yêu thương người lân cận như mình thì ta đã làm trọn cả bộ Luật Pháp.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church