Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (1)
Tay Đánh Lưới Người
Ma-thi-ơ 4:19
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Tại Sao Chúng Ta Phải Tra Khảo Về Các Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc?
Hôm nay chúng ta bắt đầu tra khảo về các danh hiệu của Tín Đồ Cơ Đốc trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, Tín Đồ Cơ Đốc được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau, mỗi một danh hiệu đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của những danh hiệu này, thì chúng ta mới biết mình nên làm cái gì và chúng ta nên sống một cuộc đời như thế nào trên thế gian này. Khi chúng ta thật sự sống một cuộc sống phù hợp với lời dạy trong Kinh Thánh, thì người đời sẽ khen ngợi Chúa Trời Gia-vê, Danh của Đức Cha được vinh hiển, ý của Ngài được thành tựu trong cuộc đời của chúng ta.
Danh hiệu đầu tiên mà chúng ta sẽ tra khảo là : “Tay đánh lưới người”.
Ý Nghĩa Của Danh Hiệu “Tay Đánh Lưới Người”
Ma-thi-ơ 4:18 – 20 18 Khi Chúa Giê-su đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. 19 Chúa nói cùng hai người rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ khiến cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” 20 Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Chúa.
Tay đánh lưới người có nghĩa là gì? Trong đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy hai anh em Phi-e-rơ và Anh-rê đều là người đánh cá, họ đang thả lưới dưới biển. Chúa Giê-su đi qua và kêu gọi họ đi theo Chúa. Tại vì họ là người đánh cá, cho nên Chúa dùng ngay cái ảnh tượng của người đánh cá, nhưng Chúa thay đổi đi một chút thành ra “tay đánh lưới người”. Chúa nói rằng Chúa sẽ biến đổi họ từ người đánh cá thành ra tay đánh lưới người. Vậy cái danh hiệu “tay đánh lưới người” là bắt nguồn từ “người đánh cá”, cho nên muốn hiểu rõ ý nghĩa của danh hiệu “tay đánh lưới người”, thì chúng ta phải so sánh danh hiệu này với “người đánh cá”.
Người đánh cá thì câu cá hay đánh cá bằng lưới. Còn “tay đánh lưới người” thì làm cái gì? Thay vì đánh cá từ biển cả, thì tay đánh lưới người được người từ thế gian này. Được người từ thế gian này có nghĩa là kêu gọi người đời của thế gian này hãy tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su.
Sự Khác Biệt Giữa Người Đánh Cá Và Tay Đánh Lưới Người
Nhưng giữa người đánh cá và tay đánh lưới người có một sự khác biệt rất lớn. Người đánh cá đi đánh cá để ăn và cũng bán những cá đó để lấy tiền. Còn tay đánh lưới người kêu gọi người đời từ thế gian này thì hoàn toàn không phải vì lợi ích riêng của mình, mục đích của họ là để cho người đời được cứu chuộc. Đó là ý chỉ của Chúa Trời Gia-vê, bởi vì Ngài thương yêu thế gian, Ngài không muốn một người nào bị hư mất.
Đó là điểm đầu tiên Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta nên ghi nhớ mãi mãi: Chúng ta là tay đánh lưới người, chúng ta được người từ thế gian này không phải vì lợi ích riêng của mình, mục đích của chúng ta là để cho người đời được hưởng ơn cứu chuộc.
Sau Khi Được Cứu Vớt Rồi Thì Chúng Ta Phải Đi Cứu Vớt Người Khác
Trong câu 19 của đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su nói cùng Phi-e-rơ và Anh-rê rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ khiến cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người”. Ở đây Chúa Giê-su kêu gọi hai anh em này đi theo Chúa, tại vì Chúa muốn cứu vớt họ, mà Chúa cũng ngay lập tức dạy cho họ biết rằng Chúa sẽ khiến họ trở nên tay đánh lưới người để được người từ thế gian này.
Đó là điểm thứ hai chúng ta nên ghi nhớ: Sau khi chúng ta được ơn cứu chuộc rồi, chúng ta không phải cứ ngồi đó hưởng thụ tình thương yêu trông nom của Chúa Trời và chờ đợi ngày được ban cho sự sống đời đời ở vương quốc Thiên Đàng. Không phải như vậy đâu! Sau khi chúng ta được cứu thoát khỏi tội lỗi rồi, thì chúng ta phải đi vào thế gian để kêu gọi và hướng dẫn người khác tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su hầu cho họ cũng được hưởng ơn cứu chuộc vậy.
Chúng Ta Cần Phải Làm Gì?
Không chừng có người nghĩ rằng: “Tôi không có tài giỏi về thuyết trình, tôi không biết giảng luận, làm sao mà tôi có thể đi kêu gọi người ta được?”
Chúng ta không bắt buộc phải giảng luận hay thuyết trình. Nếu trong tương lai khi chúng ta trưởng thành trong cuộc sống thuộc linh, nhờ vào ân điển của Chúa Trời mà chúng ta có thể giảng luận thì chắc là tốt, nhưng không bắt buộc phải giảng luận, chúng ta có thể làm nhiều việc khác để kêu gọi người đời.
Tôi nghĩ rằng mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều đã kinh lịch rất nhiều ân điển và sự giúp đỡ của Chúa Trời Gia-vê, chúng ta có thể chia sẻ những kinh lịch của mình với bạn bè ; mỗi một Tín Đồ Cơ Đốc đều có thể làm chứng về sự chân thật và lòng nhân từ thương xót của Chúa Trời. Sau khi chúng ta chia sẻ những kinh lịch của mình rồi, nếu người ta thấy thích thú, chúng ta có thể tiếp tục giải thích cho họ biết về lời dạy của Chúa Trời. Chúng ta hiểu biết về lời dạy của Chúa Trời càng nhiều thì chúng ta có thể giải thích lời của Ngài càng chính xác. Bởi vậy mỗi một Tín Đồ Cơ Đốc đều có trách nhiệm phải ráng học tập tìm hiểu lời của Chúa Trời. Chúng ta hiểu biết nhiều thì giải thích nhiều hơn, chúng ta hiểu biết ít thì nói ít hơn. Nhưng chúng ta chỉ nói những điều trong Kinh Thánh, chứ không nên tự ý bịa đặt ra những điều mình ưa thích mà nói.
Nếu mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều hết lòng hết sức sống theo lời dạy của Chúa Trời thì chính mối tình thương yêu giữa các anh chị em Tín Đồ đã có thể làm chứng cho Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su một cách hữu hiệu, bởi vì người đời đâu có tìm được tình thương yêu sâu sắc chân thật như vậy trên thế gian này.
Đây chỉ là vài thí dụ thông thường thôi, chúng ta có thể nghĩ ra nhiều phương pháp khác để kêu gọi người đời từ thế gian này. Khi chúng ta hết sức thực hành lời dạy của Chúa Trời, thì Ngài sẽ dạy dỗ hướng dẫn chúng ta. Chúng ta thực hành lời của Chúa Trời càng nhiều thì chúng ta trưởng thành càng nhanh, và chúng ta có thể làm công việc của tay đánh lưới người càng hữu hiệu. Lúc đầu không chừng chúng ta chỉ có thể làm những việc nhỏ thôi, nhưng bất cứ việc lớn hay việc nhỏ chúng ta đều hết lòng hết sức mà làm. Khi Chúa Trời thấy chúng ta làm việc siêng năng trung tín, thì Ngài sẽ giao cho chúng ta công việc càng ngày càng quan trọng hơn.
Nói tóm lại, những kỹ thuật, phương pháp, tài ăn nói thuyết trình v.v. đều không phải là tối quan trọng, điều quan trọng nhất là tấm lòng của chúng ta. Chúng ta cần phải có một thái độ tâm trạng chính xác:
Khi chúng ta có một thái độ tâm trạng chính xác thì Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta trí tuệ để làm công việc của tay đánh lưới người.
Đức Tính Của Tay Đánh Lưới Người
Nếu chúng ta muốn trở thành một tay đánh lưới người hữu hiệu, thì chúng ta cần phải có đức tính gì? Tôi không phải nói về tài thuyết trình, học vấn cao siêu, khả năng khéo léo v.v. Những điều này không phải là tối quan trọng. Mà tôi đang nói về đức tính của con người. Thí dụ : Một người làm ruộng thì phải siêng năng, một người lính thì phải can đảm, một người học sinh thì phải chăm chỉ. Vậy một tay đánh lưới người thì cần phải có đức tính gì?
1. Vui lòng chịu cực khổ nguy hiểm
Đức tính đầu tiên là vui lòng chịu cực khổ nguy hiểm. Người đánh cá muốn đánh được cá càng nhiều thì càng tốt, và cá càng lớn thì càng hay, như vậy họ mới kiếm được nhiều tiền. Thông thường thuyền đánh cá phải đi thiệt xa vào đại dương mới đánh được cá lớn và được nhiều cá. Những thuyền đánh cá ngày nay được trang bị rất tân tiến, nhiều khi họ đi đánh cá hàng tháng mới về. Khi đi xa như vậy thì người đánh cá phải chịu cực khổ và nguy hiểm, họ thường hay gặp gió bão, và nhiều khi thuyền đánh cá bị chìm. Đôi khi họ đi vào hải phận của một nước khác và bị hải quân của nước ngoài cầm giữ lại. Nhiều năm về trước thuyền đánh cá của Tây Ban Nha đi vào hải phận của Canada đã bị hải quân Canada cầm giữ lại, sau một khoảng thời gian mới được thả về.
Chúng ta là tay đánh lưới người của Chúa Trời Gia-vê, chúng ta phải sẵn sàng chịu cực khổ nguy hiểm để được người từ thế gian này. Thí dụ : Khi tôi chia sẻ với người đời về tình thương yêu trông nom của Chúa Trời, tôi thường bị người ta chê bai hay thù ghét. Tôi nghĩ rằng nhiều anh chị em Tín Đồ chắc đã kinh lịch những chuyện tương tự như vậy rồi, phải không? Đó chỉ là chuyện nhỏ thôi, chúng ta nhờ vào ân điển của Chúa Trời, chúng ta không tức giận, không cải lại, không trả thù, họ càng chê bai ta thì chúng ta càng thương yêu họ, họ càng thù hận ta thì chúng ta cầu nguyện chọ họ càng nhiều.
Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ của Tân Ước có ghi lại nhiều câu chuyện của những sứ đồ của Chúa Giê-su đi rao truyền Tin Lành tại các nơi trên thế giới, họ đã gặp rất nhiều gian nan nguy hiểm.
Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1 – 4 1 Phi-e-rơ và Giăng đang nói với dân chúng thì các thầy tế lễ, quan cai quản Đền Thánh và người Sa-đu-sê đến nơi, 2 họ bực tức vì hai người giảng dạy dân chúng và rao truyền trong Chúa Giê-su sự sống lại từ chết chóc. 3 Họ bắt hai người giam vào ngục cho đến bữa sau, vì bấy giờ đã tối rồi. 4 Dầu vậy, có nhiều người đã nghe lời giảng thì tin, số Tín Đồ lên đến khoảng năm ngàn.
Đoạn Kinh Thánh này thuật lại câu chuyện hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng rao truyền Tin Lành của Chúa Trời cho người ta, nhiều người nghe lời giảng thì tin. Nhưng điều này khiến cho những thầy tế lễ, những người cai quản Đền Thánh, và những người Sa-đu-sê bực tức lắm. Họ bắt giam hai sứ đồ vào ngục tù cho đến ngày hôm sau. Khi hai sứ đồ bị bỏ vào tù, họ có sợ hãi và bỏ cuộc không?
Công Vụ Các Sứ Đồ 4:18 – 20 18 Họ bèn gọi hai người vào và ra lệnh cấm không cho họ nhân danh Chúa Giê-su mà nói hay giảng dạy. 19 Nhưng Phi-e-rơ và Giăng trả lời rằng: “Xin các ông hãy suy xét trước mặt Chúa Trời, nên vâng lời các ông hay là vâng lời Chúa Trời? 20 Tại vì chúng tôi không thể nào không nói về những điều mình đã thấy và nghe.”
Khi những ông quan ra lệnh cấm hai sứ đồ không được nói hay rao giảng về Chúa Giê-su, mà hai sứ đồ không có sợ hãi gì hết, họ xin mấy ông này hãy tự suy xét trước mặt Chúa Trời, nên vâng lời họ hay là vâng lời Chúa Trời? Lẽ dĩ nhiên là vâng lời Chúa Trời, Chúa Trời là cao nhất. Hai sứ đồ đã quyết định họ sẽ tiếp tục rao giảng về Chúa Giê-su cho dù bị bỏ vào tù ngục, bởi vì họ phải nói về những điều mình đã thấy và đã nghe. Hai sứ đồ đã thấy điều gì thì nói điều đó, họ đã nghe Chúa Giê-su giảng dạy điều gì thì họ thuật lại điều đó. Họ sẵn sàng chịu đựng cực khổ nguy hiểm vì cớ của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su.
Công Vụ Các Sứ Đồ 13:49 – 52 49 Lời của Chúa tràn ra khắp xứ đó. 50 Nhưng các người Giu-đa xui giục những đàn bà sang trọng sốt sắng và những người lãnh đạo trong thành, gây nên sự bắt bớ chống lại Phao-lô và Ba-na-ba, và đuổi họ ra khỏi địa phận của mình. 51 Hai người phủi bụi chân mình để đối lại cùng họ, rồi đi đến thành Y-cô-ni. 52 Còn các môn đồ thì được đầy dẫy vui vẻ và Thánh Linh vậy.
Đoạn Kinh Thánh này thuật lại công vụ của Phao-lô và Ba-na-ba, lời của Chúa được lan tràn khắp xứ đó, nhưng lại gặp phải chống đối của người Giu-đa. Những tên này xui giục những người có quyền lực địa vị trong thành để bắt bớ hai người và đuổi họ ra khỏi vùng đó.
Công Vụ Các Sứ Đồ 14:19 – 20 19 Bấy giờ có mấy người Giu-đa từ thành An-ti-ốt và thành Y-cô-ni đến dỗ dành dân chúng; họ ném đá Phao-lô, rồi kéo người ra ngoài thành vì họ tưởng người đã chết. 20 Nhưng các môn đồ đang nhóm chung quanh người, thì người vùng đứng dậy và đi vào trong thành. Bữa sau, người đi với Ba-na-ba đến thành Đẹt-bơ.
Đoạn Kinh Thánh này thuật lại một câu chuyện còn tàn bạo hơn, khi Phao-lô đang truyền giảng Tin Lành thì những người Giu-đa lại đến. Họ dỗ dành dân chúng ném đá Phao-lô khiến người bị thương nặng, họ tưởng người đã chết rồi và kéo người ra ngoài thành phố. Khi các môn đồ nhóm xung quanh Phao-lô, thì người vùng đứng dậy, và người lại đi vào trong thành phố nữa. Chắc Phao-lô còn có những việc chưa làm xong, cho nên người lại đi vào trong thành, người không có sợ hãi gì hết. Sáng hôm sau, sau khi đã sắp xếp mọi việc đàng hoàng, thì Phao-lô mới cùng Ba-na-ba lìa chỗ đó đi đến một thành phố khác.
Qua những đoạn Kinh Thánh trên chúng ta thấy rằng khi rao truyền Tin Lành của Chúa Trời cho người đời, chúng ta sẽ gặp phải nhiều sự chống đối thù nghịch. Nếu chúng ta chỉ nhờ cậy vào khả năng của mình thì chúng ta sẽ nản lòng và sợ hãi, rồi bỏ cuộc rút lui. Cho nên chúng ta phải luôn luôn nhờ cậy vào ân điển của Chúa Trời, chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ mình đứng vững và gìn giữ trung tín với Ngài cho đến cùng.
Người đánh cá trên đời này vì tiền bạc lợi ích mà vui lòng chịu lấy cực khổ nguy hiểm, chúng ta là tay đánh lưới người của Chúa Trời Gia-vê, chúng ta càng phải vui lòng chịu lấy cực khổ nguy hiểm, nhưng không phải vì lợi ích của mình, mà vì ơn cứu chuộc của người đời. Đó là đức tính đầu tiên.
2. Luôn luôn thành tín cầu nguyện
Đức tính thứ hai là chúng ta phải luôn luôn thành tín cầu nguyện. Chúng ta cầu xin Chúa Trời chỉ dẫn ta, chứ ta không phải làm việc theo trí thông minh hiểu biết của mình.
Lu-ca 5:4 – 7 4 Khi Chúa dạy xong thì bảo Si-môn rằng: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá.” 5 Si-môn thưa rằng: “Thưa thầy, chúng tôi đã làm việc suốt đêm mà không bắt được chi hết; dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới.” 6 Họ thả lưới xuống, được nhiều cá đến nỗi lưới phải đứt ra. 7 Họ bèn làm dấu hiệu gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp; các bạn bè đến chở cá đầy cả hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm.
Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su bảo Si-môn (tức là Phi-e-rơ) chèo chiếc thuyền ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá. Si-môn trả lời rằng họ đã đánh cá suốt đêm rồi mà không được chi hết, nhưng tại vì người tôn trọng Chúa Giê-su nên người cứ làm y như Chúa đã nói. Kết quả là họ được nhiều cá đến nỗi cái lưới gần đứt ra. Họ phải gọi các bạn ở thuyền khác đến giúp, mà cả hai chiếc thuyền đều chở đầy cá đến nỗi gần chìm.
Thông thường người ta đi đánh cá hay câu cá vào ban đêm, bởi vì ban đêm mới có nhiều cá trong biển, ban ngày thì ít cá. Si-môn là người đánh cá giàu kinh nghiệm, người biết rõ điều này. Lúc đó là ban ngày, khi Chúa Giê-su bảo Si-môn thả lưới đánh cá, nếu Si-môn dùng trí thông minh sự hiểu biết của mình mà xét đoán, thì người sẽ cho rằng Chúa nói một điều phi lý và ngu dại. Nhưng Si-môn cứ làm theo lời của Chúa, kết quả người được rất nhiều cá.
Một tay đánh lưới người muốn được người từ thế gian này thì phải luôn luôn cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa Trời. Khi Ngài chỉ dẫn chúng ta, thì chúng ta phải làm y như Ngài đã bảo. Nếu chúng ta cứ làm việc theo trí thông minh của mình thì hẳn thất bại. Ngược lại nếu chúng ta làm theo đường lối chỉ dẫn của Chúa Trời thì chúng ta sẽ được nhiều người.
Chúng ta không những chỉ cầu xin Chúa Trời hướng dẫn mình mà thôi, mà chúng ta còn phải cầu nguyện cho người đời nữa. Khi chúng ta rao truyền Tin Lành với người ta, chúng ta phải cầu xin Chúa Trời biến chuyển tấm lòng của người đó, khiến người có tâm hồn cởi mở để tiếp nhận chân lý của Ngài, và mở mắt tâm linh của người để người thấy được vinh diệu của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng mình chỉ là tên đầy tớ làm theo mệnh lệnh của Ngài một cách trung thành thôi, chứ chúng ta không có khả năng làm biến chuyển lòng người, chỉ có Chúa Trời mới có quyền năng làm biến chuyển lòng người. Cho nên một mặt chúng ta cầu xin Chúa Trời chỉ dẫn chúng ta nên làm gì để giúp đỡ hướng dẫn người đời, mặt khác chúng ta cầu nguyện xin Ngài biến chuyển người đó.
Nói đến thành tín cầu nguyện, điều đó không phải dễ đâu, ấy là một điều rất khó khăn. Lâu lâu mới cầu nguyện cho người ta một vài lần thì còn được, mà luôn luôn thành tín cầu nguyện thì cần phải kiên trì nhẫn nại, và quan trọng nhất là chúng ta phải có một tấm lòng thương yêu người ta. Bởi vậy chúng ta phải cầu xin Chúa Trời ban cho chúng ta một tình thương chân thật và tấm lòng bền sức kiên trì, rồi chúng ta mới có thể đi giúp đỡ người khác được.
3. Hợp tác với các anh chị em Tín Đồ
Ngoài ra trong đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy các người đánh cá hợp tác với nhau, bằng không thì lưới đã đứt ra rồi. Còn tay đánh lưới người cũng phải hợp tác với nhau. Chúng ta không nên ganh tị ghen ghét anh chị em vì họ hướng dẫn được nhiều người về với Chúa Trời. Những chuyện ganh tị ghen ghét như vậy thì thật là xấu xa tội lỗi, rốt cuộc chỉ làm nhục cái Danh của Chúa Trời thôi. Chúng ta nên nhớ rằng tất cả những việc chúng ta làm đều không phải vì lợi ích riêng của mình, mà vì ơn cứu chuộc của người đời.
Đức tính thứ ba là chúng ta phải hợp tác với các anh chị em Tín Đồ, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.
Nói tóm lại, một tay đánh lưới người thì cần phải có ba đức tính:
Hôm nay chúng ta đã tra khảo cái danh hiệu “Tay đánh lưới người”. Mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều phải trở thành tay đánh lưới người để được người từ thế gian này. Đó là bổn phận của chúng ta. Chúng ta yêu, vì Chúa Trời thương yêu chúng ta trước.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church